Hướng đi mới trong chăn nuôi gia súc có sừng

(NTO) Tỉnh ta có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với các sản phẩm đặc thù như dê, cừu, bò, nhưng hạn chế là chưa xây dựng được thương hiệu mạnh. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc liên kết phát triển chăn nuôi theo chuỗi là hướng đi mới mang tính tất yếu.

Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia súc có sừng toàn tỉnh khoảng 250.000 con, mỗi năm cung cấp ra thị trường 21.000 tấn thịt hơi. Chuyển biến rõ nhất trong chăn nuôi là ngày càng hình thành nhiều trang trại quy mô đàn lên tới hàng trăm con/trang trại. Tính đến cuối năm 2016, trên toàn tỉnh có 25 trang trại chăn nuôi tập trung; trong đó, nhiều nhất ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mặc dù tổng đàn gia súc tăng nhanh, nhưng tồn tại của chăn nuôi là chất lượng sản phẩm thịt thấp, nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Để tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển bền vững, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều chương trình, dự án chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng thực phẩm.

 
Nông dân Ninh Phước thực hiện mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi bò hiệu quả.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Do có chiến lược phát triển rõ ràng, nên chăn nuôi trong những năm qua có chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ bò lai sind đạt 38%; đàn dê, cừu lai đạt trên 50%, dự kiến đến năm 2020 tăng trên 70%. Tốc độ tăng đàn và trọng lượng xuất chuồng cũng tăng dần theo từng năm là tín hiệu đáng mừng đối với chăn nuôi gia súc có sừng. Ngày 21-10-2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4300/KH-UBND triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi bò Úc góp phần thúc đẩy chăn nuôi bò phát triển theo hướng tập trung, gắn với đồng cỏ, chuyển từ chăn nuôi bò quảng canh, phân tán sang chăn nuôi thâm canh tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng năng suất và chất lượng thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho hộ nuôi. Chuyển biến đáng kể nữa là, nông dân đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi linh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên từng khu vực. Ở các huyện miền núi như Ninh Sơn, Bác Ái… hộ nuôi tận dụng đất rừng làm nơi chăn thả, phát triển các trang trại bò quy mô 100-200 con; dê, cừu quy mô hàng ngàn con. Ở vùng đồng bằng, nông dân tận dụng phụ phẩm trồng trọt chế biến thức ăn chăn nuôi có hàm lượng dinh dưỡng cao bảo đảm đàn gia súc phát triển ổn định kể cả trong mùa khô hạn; đồng thời, triển khai các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế ở từng khu vực tạo sinh kế cho nhiều hộ. Đơn cử, trang trại chăn nuôi cừu vỗ béo của ông Huỳnh Nguyên Đăng ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) quy mô 500 con, nuôi theo quy trình khép kín, sử dụng nguồn thức ăn thô từ trồng trọt dần xây dựng được thương hiệu thịt cừu của tỉnh.

Chăn nuôi gia súc trong tỉnh đang phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Tiêu biểu cho hình thức tổ chức sản xuất khép kín này là Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín đã đầu tư vốn cho hàng chục hộ ở huyện Ninh Phước, Thuận Nam nuôi dê, cừu; đồng thời, ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hoạt động liên kết đang ngày càng được mở rộng nhờ cơ sở thiết lập thị trường tiêu thụ ở 17 tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 20 đầu mối. Trước đây, mỗi tháng cơ sở thu mua, tiêu thụ khoảng 1.000 con dê, cừu, đến nay tăng lên 1.500 con. Ở huyện Bác Ái, Ninh Sơn ngoài việc phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng tăng đàn và chất lượng, thì gần đây triển khai thêm mô hình liên kết với sự tham gia của doanh nghiệp cung cấp giống tốt và bao tiêu bò, cừu thương phẩm đã tháo gỡ được “nút thắt” cho đầu ra sản phẩm, khuyến khích được nhiều hộ tham gia.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng Đề án quy hoạch, cơ cấu lại ngành chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án đề ra nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững; trong đó, ưu tiên sản phẩm đặc thù (dê, cừu) theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, tận dụng các nguồn thức ăn trong tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp chế biến làm thức ăn cho đàn gia súc. Đầu tư nâng cao chất lượng đàn để tăng trọng lượng xuất chuồng, tỷ lệ xẻ thịt và chất lượng thịt. Cụ thể, về nuôi bò quy mô tổng đàn 125.000 con hiện nay, sẽ tăng lên 140.000 con vào năm 2020. Để đạt trọng lượng xuất chuồng 225-230 kg/con vào năm 2020, giải pháp đẩy mạnh chương trình bò lai sind đang được các địa phương triển khai có hiệu quả. Đối với dê, cừu, từ lợi thế đầu tư ban đầu không cao, sinh sản nhanh, đầu ra rộng, do đó ngành Nông nghiệp đặt ra kỳ vọng tập trung mở rộng quy mô đàn từ 75.000 con hiện nay lên 100.000 con vào năm 2020; đồng thời, mở rộng quy mô đàn dê sữa 20.000 con, sản lượng 300 lít/con/năm. Để thực hiện lộ trình trên, tỉnh đã xây dựng vùng quy hoạch trồng cỏ 2.800 ha bằng hình thức phân tán theo từng hộ nuôi phù hợp với số lượng gia súc; đồng thời, khuyến khích nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị trên địa bàn 6 huyện.