Sẵn sàng đưa cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào sử dụng

Sau 30 tháng thi công, đến nay tuyến cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo đã hoàn thành và đang chuẩn bị cho ngày chính thức thông xe vào cuối tháng 4/2024, kịp phục vụ lưu thông trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Theo Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án), cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, trong đó đoạn đi qua địa phận Ninh Thuận dài 63km. Đây là dự án cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và là một trong 3 đoạn tuyến cao tốc thuộc công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm chủ đầu tư.

Đến nay công trình đã thi công hoàn thành, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chỉnh phủ và các quy định của hợp đồng dự án đã ký kết. Tuyến cao tốc thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/giờ; toàn tuyến có 3 nút giao (Du Long, Phan Rang và Thuận Nam); 34 cầu gồm 22 cầu trên đường cao tốc và 11 cầu vượt, cầu vượt tại nút giao. Hiện các hạng mục này đều đã được hoàn thiện, sẵn sàng cho thông xe. Ngoài ra, trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,25km, gồm hai ống hầm mỗi ống 3 làn xe, chiều rộng hầm 14m. Hai nhánh của hầm Núi Vung đã thông xe vào tháng 8 năm ngoái, nhưng trong giai đoạn 1 sẽ sử dụng một ống hầm bên phải, hầm bên trái sử dụng vào mục đích thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp và sẽ đưa vào sử dụng sau.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Anh Tuấn

Ngày 20/4, Cơ quan thường trực Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã báo cáo cho Hội đồng Kiểm tra nhà nước về dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Theo đánh giá của chuyên gia hội đồng, các hạng mục công trình được thi công xây dựng cơ bản tuân thủ theo yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật. Các kết quả thí nghiệm, kiểm định chất lượng cho thấy công trình cầu, đường của cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Căn cứ kết quả kiểm tra trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình, về cơ bản các công trình gồm nền, mặt đường tuyến chính, các công trình cầu, hầm Núi Vung, hai nút giao Du Long và nút giao Phan Rang, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông thuộc dự án đã được thi công theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Về phía địa phương, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT), Sở Xây dựng của 3 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận đều nhận định dự án đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng. Các địa phương cũng đề nghị chủ đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét đầu tư phủ sóng điện thoại trên toàn khu vực để đảm bảo liên lạc phòng trường hợp khẩn cấp, phối hợp với C08 tiến hành phạt nguội qua hệ thống camera giám sát trên tuyến, nghiên cứu đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để chuẩn bị cho dự án đi vào hoạt động an toàn, UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với nhà đầu tư, Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT) rà soát công tác an toàn giao thông tại các nút giao trên tuyến; đề nghị nhà thầu kịp thời bổ sung một số biển báo, hướng dẫn để phương tiện lưu thông an toàn, thuận lợi.

Được biết, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ có 3 trạm thu phí đặt tại các nút giao và bổ sung 1 trạm thu phí tạm ở vị trí cuối tuyến. Trong đó, trạm thu phí nút giao Du Long và 2 trạm thu phí nút giao Phan Rang được thiết kế với mô hình thu phí đầu vào ETC đa làn tự do (2 làn, không có barier), đầu ra ETC đơn làn (2 làn, có barier). Trạm thu phí tạm cuối tuyến thiết kế tạm thời đầu vào ETC đa làn tự do (2 làn, không có barier), đầu ra ETC đơn làn (2 làn, có barier). Ban điều hành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, đơn vị đã hoàn thành lắp đặt các biển báo cung cấp số điện thoại đường dây nóng dọc tuyến cao tốc. Khi lưu thông trên cao tốc gặp sự cố hoặc phát hiện các sự việc ảnh hưởng an toàn lưu thông, tài xế có thể gọi qua số điện thoại khẩn cấp 1900599855. Sau khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động, nhân viên trực tổng đài (24/24 giờ) sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin trên cao tốc. Ngoài ra, tại mỗi chiều xe chạy, trung bình 4-5km có bố trí một vị trí điểm dừng xe khẩn cấp. Dọc tuyến có 36 điểm dừng xe vuốt nối hình nêm hai đầu vào - ra khi tài xế cần dừng khẩn cấp.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 85 cho biết: Sau khi được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu kỹ thuật, Ban Quản lý Dự án 85 đã đề xuất và được Bộ GTVT thống nhất cho thông xe vào ngày 26/4 và tổ chức lễ khánh thành tại cửa Bắc hầm Núi Vung vào ngày 28/4.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành và thông xe giúp kết nối thông suốt toàn tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh với tổng chiều dài gần 400km, sẽ giúp rút ngắn thời gian đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Tp. Phan Rang - Tháp Chàm từ 8 giờ còn 4 giờ đồng hồ. Qua đó sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, tạo điều kiện giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân các địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Thuận.