Quê hương tự hào có mẹ Việt Nam anh hùng

Quê hương Ninh Thuận sau 49 năm giải phóng, 32 năm tái lập tỉnh, nay đã khoác lên mình diện mạo mới ngày một khang trang, hiện đại. Có được thành quả bên cạnh những nỗ lực, chung tay của toàn Đảng bộ, toàn dân, còn có những thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để giành lại từng mảnh đất quê hương, trong đó có những Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) đã mạnh mẽ, động viên chồng và con lên đường tham gia chiến đấu.

Các thế hệ trẻ, đoàn thể, địa phương đến thăm Mẹ VNAH Lê Thị Hự.

Đây là lần thứ ba chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thiểu, thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải (Ninh Hải). Từ cổng chào của xã, chúng tôi đi theo con đường bê tông khang trang đến nhà Mẹ. Vẫn căn nhà quen thuộc ấy, Mẹ nằm trên chiếc võng thân quen đung đưa, lắng nghe tiếng nói, tiếng cười của con cháu và hàng xóm láng giềng thăm hỏi. Hình ảnh giản dị, đời thường ấy nhưng lại gợi trong lòng chúng tôi có chút xao xuyến và xúc động bởi ẩn sau dáng người bé nhỏ của Mẹ là tinh thần quả cảm, kiên cường. Được biết, Mẹ di cư từ Quảng Trị vào Ninh Thuận từ lúc 12 tuổi. Ngày ấy dù còn trẻ, nhưng Mẹ đã tích cực tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ cách mạng. Cũng từ đây Mẹ có cơ duyên gặp gỡ, nên duyên vợ chồng với ông Võ Chắc, cán bộ làm công tác xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương. Trong những năm tháng quân giặc càn quét, những cán bộ được Mẹ che giấu đều an toàn, vững vàng tay súng chiến đấu. Nhưng ông Chắc thì lại không được may mắn như vậy, ông hy sinh vào năm 1962, để lại Mẹ và 4 người con thơ dại. Nuốt nước mắt vào trong, Mẹ Thiểu tiếp tục tảo tần nuôi các con trưởng thành. Và rồi vào năm 1971, phát huy truyền thống anh hùng của gia đình, Mẹ động viên anh Võ Văn Dân, người con thứ 3 của Mẹ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ tại Huyện đội Thuận Bắc. Dù biết rằng chiến trường khốc liệt nhưng Mẹ luôn dặn dò anh không được chùn chân trước quân thù. Nghe theo Mẹ, anh Dân hăng hái xông pha trên mọi mặt trận. Thế nhưng vào một ngày năm 1972, trái tim Mẹ lại một lần nữa nhói đau khi nghe anh Dân hy sinh tại Bàu Cổng, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải. Chưa đầy 9 năm, với hai nỗi đau quá lớn, Mẹ đã trải qua những tháng ngày chỉ biết khóc thầm và thương nhớ. Nhưng Mẹ tự dặn lòng không được gục ngã, phải đứng dậy để sống thay phần đời của những người thân đã mất và chăm sóc những người con trong gia đình. Quá khứ đã qua, nay Mẹ đã lớn tuổi dù có những đoạn ký ức Mẹ đã quên nhưng Mẹ bảo rằng mẹ tự hào lắm vì những chiến công của chồng và con mình đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước để non sông đất nước thu về một dải. Và chúng tôi, những thế hệ đi sau rất tự hào vì có Mẹ.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thiểu cùng con gái ngắm nhìn những kỷ vật của chồng và con trai.

Tiếp tục trên chặng hành trình về thăm Mẹ VNAH, chúng tôi đến với Mẹ VNAH Lê Thị Hự, thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná (Thuận Nam), nhà Mẹ nằm ngay cổng cảng cá Cà Ná. Trong khung cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, mẹ Hự với dáng người nhỏ nhắn vui đón chúng tôi. Năm nay, Mẹ đã 96 tuổi, sức khỏe tốt và minh mẫn nên tất cả những câu chuyện về quá khứ được Mẹ kể rành mạch, không một chút chấp vá. Mẹ kể với chúng tôi rằng trong những năm tháng quê hương còn nằm trong khói lửa chiến tranh, chồng Mẹ là ông Nguyễn Hiệu và 3 người con là Nguyễn Hường, Nguyễn Sơn và Nguyễn Lâm một lòng đi theo cách mạng và đã anh dũng hy sinh, bản thân Mẹ lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ xã Xuân Cảnh, huyện Đồng Xuân (nay là Sông Cầu) của tỉnh Phú Yên. Trong thời gian tham gia kháng chiến, Mẹ đã nhiều lần bị địch bắt vào tù để tra tấn, nhưng Mẹ nhất quyết không khai, bọn giặc phải sử dụng hình thức đày đi biệt xứ từ Phú Yên đến Ba Ngòi, rồi vào Ninh Thuận. Gian khổ là thế, nhưng Mẹ vẫn sống và vượt qua, tiếp tục nuôi giấu cán bộ, vừa góp sức vận chuyển lương thực, thuốc men, đưa thông tin liên lạc lên căn cứ cho đến ngày quê hương được giải phóng. Với Mẹ, dù lửa đạn chiến tranh đã tắt hàng chục năm, hậu quả của chiến tranh đã dần được khắc phục nhưng vết thương lòng của người Mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh vẫn không hề nguôi ngoai. Mỗi lần nhắc đến chồng và các con trai là liệt sĩ, Mẹ lại rưng rưng vì xúc động. Mẹ chia sẻ: Thời kỳ gian khó chiến tranh, tất cả các gia đình và chiến sĩ đều xác định đây là trận chiến của sinh tử, xả thân cứu nước. Mẹ cũng hiểu điều đó nhưng Mẹ không nghĩ rằng những người con trai và chồng Mẹ đều hy sinh. Nỗi đau dồn dập nỗi đau, khiến trái tim Mẹ như bị bóp nghẹt, thế nhưng Mẹ chưa bao giờ hối hận vì quyết định ngày đó. Mẹ chỉ nuối tiếc vì chồng và các con không còn để thấy được ngày quê hương giải phóng và phát triển. Mẹ mong rằng Mẹ khỏe để tiếp tục mang những câu chuyện về sự hy sinh của chồng, các con và thế hệ đi trước lan tỏa đến thể hệ trẻ để nỗ lực học tập, lao động, sản xuất đóng góp xây dựng quê hương. Giờ đây, Mẹ sống yên vui bên con gái, các cháu, chắt và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước... đó là niềm vui lớn nhất với Mẹ.

Mỗi Mẹ VNAH đều mang trong mình những câu chuyện đời khác nhau, nhưng lại có chung một nỗi đau mất chồng, mất con khi tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Những hy sinh của các Mẹ đã góp phần tạo nên chiến thắng oai hùng của dân tộc, trở thành huyền thoại, niềm tự hào của đất nước trong phong trào đấu tranh và giải phóng dân tộc; là động lực cho nhiều thế hệ người dân tỉnh Ninh Thuận phấn đấu bảo vệ độc lập, tự do và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Toàn tỉnh có 520 Mẹ VNAH, hiện chỉ còn mẹ Thiểu và mẹ Hự còn sống. Cùng với việc thực hiện các chế độ theo quy định của Nhà nước, việc phụng dưỡng đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đặc biệt quan tâm cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, qua đó khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam