Thuận Nam: Mở rộng diện tích cây trồng chịu hạn

(NTO) Tình hình nắng hạn kéo dài trong thời gian qua đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thuận Nam. Để chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, nông dân trong huyện lựa chọn và chuyển đổi nhiều loại cây trồng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhằm đảm bảo thu nhập cho nông dân trong mùa hạn, tránh tình trạng bỏ hoang đất, từ vụ đông-xuân 2016-2017 đến nay, đã có nhiều giống cây trồng chịu hạn như: Bắp, đậu xanh, rau đậu các loại… được đưa vào trồng thay thế cho diện tích lúa thiếu nước, đất bạc màu với gần 250 ha. Ngoài cây trồng ngắn ngày ở địa phương cũng hình thành một số vùng chuyển đổi cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tập trung chủ yếu ở các xã Phước Hà, Nhị Hà… trên 33 ha cho hiệu quả kinh tế cao. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn được đẩy mạnh đã mở ra hướng đi mới trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Anh Bá Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phước Nam, cho biết: Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, xã đã thông báo đến các hộ về tình hình nắng hạn; đồng thời rà soát từng khu vực không chủ động nước để bố trí cây trồng hợp lý. Theo đó, toàn xã thực hiện chuyển đổi khoảng 25 ha lúa sang trồng cây trồng cạn, mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Đặc biệt, nhận thức trong chuyển đổi cây trồng của nông dân ngày càng nâng lên rõ rệt, nhiều nông hộ tự chọn giống cây phù hợp với điều kiện của gia đình để canh tác. Điều này, không chỉ giảm áp lực về nguồn nước tưới trong mùa hạn mà còn nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Nông dân xã Nhị Hà mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điều đáng ghi nhận nữa ở xã Phước Nam, chính là việc nông dân đã có nhiều phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất. Bên cạnh tăng diện tích hoa màu, chủ động đào ao trữ nước, một trong những cách làm hiệu quả nhất mà nông dân đang áp dụng là trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã hình thành một số mô hình sản xuất phù hợp với thời tiết nắng nóng, như: Mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây nho, măng tây xanh, cỏ chăn nuôi ở Phước Nam, Nhị Hà, quy mô hàng trăm ha; mô hình trồng rau an toàn tại xã Phước Minh…

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, cho biết thêm: Để đạt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển bền vững, trong thời gian tới, huyện Thuận Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiến hành rà soát, khoanh vùng diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất sản xuất phân tán sang sản xuất tập trung cây trồng chịu hạn; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các hình thức sản xuất xen canh, luân canh; chú trọng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân.