Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo (CTGN) được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; nhờ đó các chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách kịp thời, đầy đủ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hằng năm, các chương trình, mục tiêu CTGN được đưa vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của trung ương, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù để thực hiện CTGN. Những chính sách đó đã giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp các nhóm đối tượng vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực huy động cho CTGN và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 3.705,24 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho CTGN ngày càng tăng; cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư; các chính sách về giảm nghèo cho Nhân dân được triển khai kịp thời, đúng quy định; nhiều ngành, địa phương đã có cách làm hay, phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; hàng chục nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin... Kết cấu cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo Bác Ái và các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi và vùng bãi ngang ven biển của tỉnh được tăng cường đầu tư. Đời sống người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có sự thay đổi nhanh chóng, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Từ đó, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 14,93% (năm 2016) xuống còn 5,33% vào cuối năm 2020, bình quân hằng năm giảm 1,92% (đạt chỉ tiêu đề ra bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2%/năm); góp phần ổn định xã hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chăm sóc cây bắp lai. Ảnh: Hồng Lâm

Năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định CTGN bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, phấn đấu mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,5-2%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của địa phương. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập. Tiếp tục huy động, đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu dân cư, đặc biệt ở vùng nghèo, xã nghèo nhằm tạo điều kiện cho phát triển KT-XH của cộng đồng dân cư và hộ nghèo thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo.

Mặt khác, quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo học nghề, vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ. Trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương, nhu cầu lao động trong các cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn để dạy nghề cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm, tăng thu nhập. Khuyến khích xuất khẩu lao động đối với con em hộ nghèo, vùng đồng bào DTTS. Thực hiện gắn kết giữa hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để tăng cường các dịch vụ xã hội; có biện pháp để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng. Trong đó việc huy động sự vào cuộc của các sở, ban, ngành trong tỉnh, các nguồn lực từ các bộ, ngành trung ương, từ các tổ chức phi chính phủ... là rất quan trọng để hỗ trợ hộ nghèo và vùng đồng bào DTTS. Quá trình thực hiện, coi trọng việc phát hiện và nhân rộng các điển hình, sáng kiến giảm nghèo, mô hình giảm nghèo hiệu quả để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.