Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu

(NTO) Thời gian gần đây, tại một số địa phương trong cả nước xảy ra tình trạng ngộ độc rượu. Nguy cơ tử vong từ việc uống rượu không rõ nguồn gốc, chứa hàm lượng methanol cao khiến nhiều người dân lo lắng. Chính vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát sản xuất, kinh doanh rượu đang là vấn đề cần được quan tâm.

Khó quản lý rượu tự nấu

Rượu thủ công hay rượu tự nấu lâu nay thường được người dân sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh loại rượu này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Tại các hàng quán, rượu trắng, rượu ngâm thuốc các loại vẫn được bày bán khá phổ biến, nhưng rất ít người biết rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm vì hầu hết không qua kiểm định của cơ quan chức năng.

Trở lại xã Phước Vinh (Ninh Phước), nơi cách đây 4 năm đã xảy ra vụ ngộ độc rượu với nhiều người mắc, không ít quán tạp hóa vẫn duy trì việc bán rượu cho người dân địa phương. Trong vai một người mua rượu về đãi đám tiệc, chúng tôi dễ dàng mua được từ một vài đến hàng chục lít rượu thủ công, với giá bán từ 15.000-30.000 đồng/lít (tùy loại rượu) tại bất cứ cửa hàng tạp hóa, cơ sở sản xuất nào. Tại những nơi này, rượu được mua bán như một mặt hàng bình thường mà không cần phải có giấy phép kinh doanh và đa số là rượu trắng được đựng trong những can, chai nhựa, không hề có nhãn mác, dán tem hay công bố tiêu chuẩn chất lượng. Khi được hỏi về chất lượng rượu, những người bán đều khẳng định, tuy không nhãn mác nhưng là mối quen, vẫn được lò nấu đưa hàng tận nơi, nên người mua cứ yên tâm uống.

 
Nhiều loại rượu tự pha chế, không nhãn mác vẫn được bày bán khá phổ biến.

Không chỉ những người kinh doanh, buôn bán rượu vô tư mua bán rượu tự nấu không nhãn mác, nguồn gốc theo quy định mà ngay cả bản thân người sản xuất rượu cũng rất thờ ơ khi đề cập tới vấn đề này. Chị Nguyễn Thị Liên, một người có kinh nghiệm nấu rượu tại thôn Liên Sơn cho biết: Khi mới xảy ra vụ ngộ độc, chính quyền địa phương có nhắc nhở, tuyên truyền và yêu cầu thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu đảm bảo an toàn, nhưng từ đó đến nay không thấy ai tới hỏi han gì. Cả tháng gia đình mới nấu vài nồi rượu theo hình thức chưng cất thủ công. Mỗi mẻ vài chục lít, chủ yếu bỏ cho các mối quen nên cần gì phải đăng ký hay dán nhãn mác thêm phiền phức!

Tăng cường kiểm soát sản phẩm rượu

Thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, các địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đang tiến hành kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn quản lý; đồng thời, chỉ đạo tuyến xã, phường kiểm tra tại các cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh rượu, nhằm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên có một thực tế đó là, việc triển khai thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải đáp ứng những điều kiện như: Có giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh; sản xuất phải có đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm rượu phải có tem, nhãn trên bao bì; các hộ kinh doanh rượu phải có hợp đồng buôn bán, tiêu thụ rượu… Thế nhưng, theo khảo sát phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất thủ công nhỏ lẻ, gắn liền với việc chăn nuôi, cơ sở vật chất tạm bợ, do đó không đủ tiêu chuẩn theo quy định để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thiết nghĩ việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu là rất cần thiết, mang tính ngăn ngừa và cảnh báo đối với người dân cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, để việc thực hiện mang lại hiệu quả, ngành chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể; các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp kiểm tra chấn chỉnh vừa nhằm tạo điều kiện để những hộ dân đăng ký sản xuất hợp quy chuẩn, bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa phát huy vai trò quản lý của Nhà nước đối với mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.