Ninh Sơn đô thị phía Tây của tỉnh

Ninh Sơn là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh giáp với tỉnh Lâm Đồng, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh trong các thời kỳ kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Năm 2000, huyện Ninh Sơn được chia tách thành hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái; đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của huyện Ninh Sơn cho đến ngày hôm nay.

Ngày mới chia tách, huyện Ninh Sơn đối mặt với muôn vàn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Sơn đã từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn, ổn định các hoạt động. Tranh thủ sự hộ trợ của trung ương, của tỉnh huyện tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Nhờ đó, từ nền sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, đến nay ngành Nông nghiệp của Ninh Sơn đã phát triển vượt bậc. Người dân đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào trong các khâu sản xuất, các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ ngày càng phát triển mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) sau 32 năm tái lập tỉnh.

Để đưa kinh tế địa phương phát triển, những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền huyện Ninh Sơn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế. Khai thác các tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp; đặc biệt mở rộng 300ha diện tích tưới được hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Sông Cái và Tân Mỹ, nâng tổng diện tích tưới lên 2.140 ha... Cùng với đó, huyện đẩy mạnh kêu gọi đầu để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phối hợp các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cụm Công nghiệp Quảng Sơn để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, đến nay có 2 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó còn có các dự án, công trình như: Nhà máy tinh bột mì, thủy điện Hạ Sông Pha 1, thủy điện Hạ Sông Pha 2, thủy điện Sông Ông, thủy điện Thượng Sông Ông... Nhà máy điện mặt trời CMX, nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2, nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn - Hoàng Lộc Việt, nhà máy dệt Phong Phú... góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương. Nếu như giai đoạn năm 2000-2005, tổng sản phẩm GRDP tăng trưởng bình quân 9%, tổng thu ngân sách năm 2001 chỉ đạt 3,2 tỷ đồng, đến giai đoạn 2020-2023 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 14%, thu ngân sách năm 2023 đạt 80,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 54,45 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng (năm 2001 ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 59,01%, đến năm 2023 còn 31,7%; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng năm 2001 chiếm tỷ trọng 15,77%, đến năm 2023 chiếm 53,3%).

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú. Ảnh: Duy Anh

Không chỉ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia với quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, cải cách hành chính... Chỉ tính riêng trong năm 2023, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huy động các nguồn lực đầu tư giao thông, thủy lợi, trường học, nhà ở... với tổng nguồn vốn đầu tư là 33,880 tỷ đồng; nhờ đó diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang hơn. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 4,32% (riêng xã Ma Nới giảm 8,14%); huyện đang tích cực huy động các nguồn lực tập trung xây dựng thị trấn Tân Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV (đến nay theo quy định, thị trấn Tân Sơn đã đảm bảo các điều kiện để trở thành đô thị loại IV). Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được triển khai có hiệu quả; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực, Đảng bộ huyện Ninh Sơn không ngừng phát triển về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, thời điểm mới chia tách, Đảng bộ huyện chỉ có hơn 700 đảng viên, đến năm 2023 Đảng bộ huyện đã có hơn 1.900 đảng viên.

Đồng chí Kiều Tấn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những thành tựu mà huyện Ninh Sơn có được hôm nay chính là kết quả của việc vận dụng đúng đắn chủ trương phát triển kinh tế của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương. Giai đoạn 2000-2010, Đảng bộ huyện định hướng phát triển nông nghiệp đa dạng, trong điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2010, trong điều kiện kinh tế của huyện phát triển ổn định, Đảng bộ huyện đã đề ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp, hiện đại, với các nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng NTM; tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Bên cạnh đó, huyện chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy cấp trên, các ngành của trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp để phục vụ quá trình phát triển địa phương; gắn kết các hoạt động của các ban, ngành ở địa phương với các cơ quan chức năng của tỉnh và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển như: Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội... ; nhờ đó, cơ sở vật chất, hạ tầng của huyện được đầu tư ngày càng đồng bộ, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, từng bước đưa huyện nhà ngày càng phát triển theo hướng bền vững.

Nông dân huyện Ninh Sơn thu hoạch mía. Ảnh: V.M

Kỷ niệm 32 năm tái lập tỉnh, 24 năm chia tách huyện cũng là năm toàn dân, toàn Đảng bộ huyện Ninh Sơn “tăng tốc” quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2021-2025. Trọng tâm, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là lợi thế phát triển nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thủy lợi, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực; khai thác, sử dụng có hiệu quả các hạ tầng được đầu tư (Hệ thống kênh tưới Tân Mỹ, hồ Sông Than, cao tốc Bắc - Nam, đường Tân Sơn - Tà Năng)... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng chất lượng các tiêu chí NTM theo hướng bền vững, hiệu quả, hướng đến mục tiêu năm 2025 xây dựng huyện Ninh Sơn đạt chuẩn NTM, hoàn thành việc xây dựng thị trấn Tân Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV trong năm 2024.