Chuyển đổi số tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của chuyển đổi số (CĐS), những năm gần đây, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh CĐS trên các lĩnh vực và đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu với 13/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân, đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), hạ tầng số trên địa bàn tỉnh dần được hoàn thiện; việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, CSDL dùng chung của tỉnh và kết nối, tích hợp, chia sẻ, khai thác sử dụng CSDL quốc gia được tăng cường triển khai thực hiện; đã kết nối, chia sẻ, xác thực làm sạch dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công tỉnh, CSDL về y tế, giáo dục và cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo quy định.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Uyên Thu

Việc số hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động quản lý, điều hành được cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện; tỷ lệ văn bản hành chính được trao đổi, xử lý trên môi trường mạng được nâng lên. Dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến tích cực, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố... Trong năm qua, tỉnh ta cũng tập trung đẩy mạnh CĐS trong DN trên một số lĩnh vực như: Du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, quản trị ngân hàng, tài chính, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Công tác truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn thực hiện CĐS được các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai với nhiều mô hình, cách làm thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức số, kỹ năng số của CBCCVC và nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 DN cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình cáp; hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn trên địa bàn tỉnh; đã lắp đặt 75 trạm 5G trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, đã phát sóng thử nghiệm 6 trạm; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 72,65%; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 77,13%; có 100% CBCCVC được trang bị máy tính; 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ, kết nối mạng internet băng rộng, mạng diện rộng của tỉnh và các bộ, ngành trung ương; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã được triển khai, kết nối từ trung ương đến cấp xã. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh với hơn 21 máy chủ và nhiều thiết bị mạng, thiết bị bảo mật chuyên dụng duy trì hoạt động thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các cuộc tấn công từ bên ngoài, khai thác sử dụng 24/7, hạn chế tối đa việc mất an toàn thông tin và dữ liệu.

Cùng với các nền tảng dùng chung, toàn tỉnh có hơn 41 phần mềm, CSDL quản lý chuyên ngành để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, cơ quan, đơn vị. Hầu hết các sở, ngành đều triển khai kết nối, khai thác sử dụng hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư; số hóa, xây dựng CSDL chuyên ngành. Phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo thuận lợi cho người dân, DN, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, DN công nghệ số, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hợp tác xã CĐS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2028; triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ... Chị Nguyễn Thanh Loan, người dân phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), chia sẻ: Với tôi, CĐS mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống và công việc. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet và dịch vụ ngân hàng trực tuyến, tôi dễ dàng thanh toán các dịch vụ viễn thông, điện, nước sinh hoạt, dịch vụ y tế, học phí, mua sắm các loại hàng hóa khi ở nhà và theo dõi được kết quả học tập, rèn luyện của các con trên app ASC School mà nhà trường cung cấp miễn phí.

Tạo thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong quản lý, dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng quản trị nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Em Võ Hoàng Nhi, học sinh lớp 6/4, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (Ninh Hải), chia sẻ: Hiện nay, các thầy, cô giáo giảng dạy lớp em tích cực ứng dụng CNTT trong các giờ lên lớp. So với cách dạy và học truyền thống, chúng em thích được tham gia các tiết học giáo viên có ứng dụng CNTT. Bởi, bên cạnh kiến thức từ sách giáo khoa, việc ứng dụng CNTT giúp chúng em được xem nhiều video, hình ảnh minh họa sinh động, liên quan đến nội dung bài học nên cảm thấy hào hứng, dễ hiểu và nhớ bài lâu hơn.

Đẩy mạnh CĐS tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh xác định chủ để hành động của tỉnh bám sát chủ đề CĐS quốc gia: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” để cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, đề ra mục tiêu “Tập trung hoàn thiện hạ tầng số; khai thác, chia sẻ, kết nối sử dụng hiệu quả CSDL; ưu tiên thúc đẩy thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, nhất là các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm; phục vụ hoạt động của người dân, DN trên nền tảng số hóa CSDL dịch vụ; nâng chỉ số CĐS của tỉnh (DTI) năm 2024 thuộc nhóm khá của cả nước”.