Đa dạng công tác truyền thông về dân số và phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác dân số và phát triển (DS&PT), giúp người dân được tiếp cận với các chính sách về dân số (DS) của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ điều này, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác DS&PT bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Hơn 13 năm qua, người dân xã Phước Tân (Bác Ái) đã quen thuộc với hình ảnh chị Pi Năng Thị Hảo, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Tân tay cầm tờ rơi, đến gõ cửa từng nhà để tuyên truyền về chính sách DS. Chị Pi Năng Thị Hảo, chia sẻ: Đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện công tác DS&PT trên địa bàn còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thay vì lồng ghép trong các cuộc họp do thôn, xã tổ chức hoặc qua các cụm loa truyền thanh, chúng tôi đến tận nhà từng hộ dân để nói chuyện, vận động bà con không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sinh đẻ có kế hoạch; sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai và sàng lọc sau sinh cho trẻ sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng DS cũng như việc thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ... Bằng cách tuyên truyền này người dân sẽ được giải đáp trực tiếp những thắc mắc cụ thể, khó nói từ đó tự nguyện thay đổi hành vi, chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp. Để làm tốt công tác này, cán bộ, cộng tác viên DS phải rà soát, nắm chắc những đối tượng có nguy cơ cao, từ đó có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời.

Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn tuyên truyền kiến thức dân số theo từng nhóm nhỏ.

Cùng với tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ dân, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái còn phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật về DS, hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ... Riêng trong năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái phối hợp với trạm y tế các xã tổ chức tư vấn cho 50 nhóm nhỏ, 60 người đi tuyên truyền, 500 lần thăm hộ gia đình; tổ chức 10 buổi nói chuyện chuyên đề về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các vấn đề nâng cao chất lượng DS tại 9 xã với hơn 300 người tham dự... Qua đó, giúp người dân có thêm kiến thức về hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 12,42% (vượt so với kế hoạch 7,42%); tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh đạt 36,23% (vượt so với kế hoạch 2,23%)... Số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp KHHGĐ luôn tăng hằng năm; quy mô gia đình có hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang từng bước được nâng lên.

Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Xác định khi đồng bào có kiến thức đầy đủ về công tác DS&PT, nhận thức được nâng lên, sẽ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và con cái từ đó sẽ nâng cao chất lượng DS. Vì vậy, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai và hướng dẫn các trung tâm y tế thực hiện công tác DS&PT tại 28 xã của các huyện miền núi bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, dễ hiểu, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Đơn cử như hình thức truyền thông lưu động, xây dựng panô, khẩu hiệu, sinh hoạt câu lạc bộ, lồng ghép đưa dịch vụ KHHGĐ về cơ sở... Phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng, Chi cục còn phối hợp với Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự kịp thời chuyển tải chính sách DS&PT đến với người dân vùng đồng bào DTTS&MN.  Tùy theo địa bàn, đối tượng truyền thông có sự thay đổi trong vận động; nội dung tuyên truyền tập trung hướng về cơ sở, góp phần làm thay đổi hành vi, tập quán sử dụng các dịch vụ về DS-KHHGĐ, tăng cường thực hiện các chính sách DS, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.