Đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), trong những năm qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đã vào cuộc triển khai, tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ).

Nhờ đó, số người tham gia BHXH, BHTN tăng hằng năm; nhận thức về thực hiện chính sách BHXH, BHTN của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, người dân ngày càng nâng cao. Đến hết quý I/2024, có 44.752 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 95,16% kế hoạch, tăng 4,46%; 39.810 người tham gia BHTN, đạt 94,83% kế hoạch, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Việc mở rộng và phát triển số người tham gia BHXH còn thấp so với mục tiêu đề ra; độ bao phủ BHXH tăng chậm, tỷ lệ tham gia BHXH, BHTN thấp so với bình quân chung cả nước... Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan, đó là: Một số cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực thi chính sách BHXH có lúc, có việc chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên...

Để phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và tinh thần Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 27-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phát triển người tham gia BHXH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

BHXH tỉnh tọa lạc tại đường Hoàng Diệu, phường Tấn Tài (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chính sách BHXH, BHTN. Ảnh: Văn Nỷ

Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH sâu rộng tại cơ sở cho các đối tượng cụ thể, nhất là NLĐ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, NLĐ trong khu vực phi chính thức. Tập trung tuyên truyền theo hướng giải thích quy định của pháp luật về chính sách BHXH, tạo sự an tâm trong xã hội, tạo lòng tin của người dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội nói chung, về chính sách BHXH nói riêng. Phát hiện, biểu dương kịp thời cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở nhằm quyết liệt, tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả để khai thác toàn bộ số người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN ở tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động đúng theo quy định của Luật BHXH và phát triển nhanh, bền vững số người tham gia BHXH tự nguyện; cân đối ngân sách địa phương, xây dựng chính sách hỗ trợ thêm một phần mức đóng từ ngân sách địa phương nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện; đưa chỉ tiêu, kế hoạch phát triển người tham gia BHXH, BHTN vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của HĐND các cấp. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, đầu tư các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có lợi thế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm tại chỗ trong khu vực chính thức cũng như khu vực phi chính thức, xem đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy gia tăng độ bao phủ BHXH. Phân loại đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện để có giải pháp phù hợp, đồng thời cân nhắc tính bền vững trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước; giữa cơ quan BHXH và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; thường xuyên rà soát, thống kê lực lượng lao động trong độ tuổi để nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển người tham gia BHXH; xây dựng cơ sở dữ liệu về BHXH...